Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay thị trường BĐS không phải thị trường của NĐT lướt sóng, tuy nhiên hoạt động này vẫn âm thầm diễn ra, thậm chí ở hầu hết các dự án mới chào bán, hoạt động đầu tư lướt sóng có thể chiếm từ 30-40%.
- Trần Anh Group khởi công dự án khu đô thị Phúc An City 2 tại Bình Dương (Phúc An Bình Dương)
- Dự án mới: Khu chung cư cao tầng kết hợp khu nhà ở thấp tầng ngay ngã 3 Đức Hòa Long An – Trần Anh Group 2020
NĐT vẫn âm thầm lướt sóng đất nền, căn hộ
Hiện nay, hoạt động đầu tư lướt sóng trong khoảng thời gian ngắn từ 3-6 tháng không còn nở rộ như thời điểm trước, tuy nhiên không phải không có trên thị trường BĐS. Ở các dự án căn hộ mới hoặc đất nền phân lô đầu tư lướt sóng vẫn âm thầm diễn ra, với mức chênh lướt sóng đạt từ 80-150 triệu đồng trong khoảng 2-3 tháng.
Theo ghi nhận, ở các dự án căn hộ hình thành trong tương lai, nhiều NĐT đặt cọc chọn căn và bán lại cho NĐT khác trong ngày mở bán chính thức dự án hoặc sau thời điểm kí hợp đồng mua bán nguyên tắc. Tìm hiểu được biết, mức chênh lệch NĐT được hưởng ở các dự án có vị trí đẹp có thể lên đến 80-100 triệu đồng trong vòng 1-2 tháng. Tuy nhiên, không phải dự án nào NĐT cũng có thể lướt sóng được, hầu hết các suất lướt sóng rơi vào các dự án “mới tinh”, chưa công bố chính thức thông tin ra thị trường.
Ở phân khúc đất nền dự án và đất nền phân lô cho thấy, hoạt động đầu tư lướt sóng chiếm khoảng 10-20%/dự án. Đặc biệt, những nền đất phân lô lẻ ở khu vực có hạ tầng phát triển, hoạt động lướt sóng có thể chiếm đến 30-40%. Mặc dù mức độ lướt sóng không diễn ra ồ ạt, trên diện rộng ở các dự án như thời điểm trước đây nhưng theo ghi nhận, khá nhiều NĐT vẫn tham gia cuộc chơi này ở các dự án có vị trí đẹp, thanh khoản tốt.
Theo các NĐT, với số vốn khiêm tốn, để có thể lướt sóng hưởng chênh lệch tốt trong khoảng thời gian ngắn thì phải biết tìm dự án và lựa thời điểm để đầu tư. Ở giai đoạn hiện nay khi nguồn cung dự án đang khan hiếm, nếu có dự án mới, pháp lý rõ ràng, hạ tầng kết nối tốt thì tham gia lướt sóng vẫn khá tốt. Mặc dù tùy vào từng dự án để có mức chênh lệch khác nhau nhưng theo các NĐT, đa số những người tham gia lướt sóng có nguồn vốn khiêm tốn, muốn thu tiền về nhanh để xoay chuyển dòng vốn.
Là hoạt động bình thường trên thị trường BĐS
Theo các chuyên gia BĐS, ở giai đoạn thị trường nào cũng có hoạt động đầu tư lướt sóng. Ở thời điểm này, lướt sóng BĐS không trở thành trào lưu vì thị trường đã có những định hướng phát triển lâu dài, ổn định. Tuy nhiên, nếu xét ở khía cạnh thị trường thì đầu tư lướt sóng có thể xem là “gia vị” để xúc tác thị trường nhộn nhịp hơn.
Trả lời phỏng vấn mới đây, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, đầu tư lướt sóng là hoạt động hết sức bình thường trên thị trường BĐS. Có khá nhiều NĐT có dòng vốn nhàn rỗi từ 1-2 tỉ đồng có thể tham gia lướt sóng dự án đất nền, căn hộ. Có thể mua ở giai đoạn 1 và bán lại ở giai đoạn 2,3…với mức độ tăng giá thứ cấp đạt đạt từ 10-12% trong mỗi giai đoạn. Theo bà Dung, ở các dự án nhà gắn liền với đất, đặc biệt đất riêng lẻ trong dân hoạt động đầu tư lướt sóng diễn ra âm thầm và nhiều NĐT hưởng được mức chênh khá tốt ở các nền đất này.
Lướt sóng không phải xu hướng của thị trường hiện nay nhưng vẫn âm thầm diễn ra
Còn ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Yeshouse từng cho biết, thời điểm này không phải là thời điểm cho đầu tư lướt sóng, mặc dù ở một số dự án vẫn diễn ra hoạt động. Đa số đầu tư lướt sóng diễn ra ở các dự án có vị trí đẹp, hạ tầng, sức mua tốt, dự án quy mô.
Đồng quan điểm, ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Việt Nam cho rằng, hiện tại trên thị trường vẫn còn hoạt động NĐT mua bán dự án trong khoảng thời gian ngắn hạn nhưng không phải là xu thế chung của thị trường. Mặc dù đây là hoạt động bình thường trên thị trường BĐS, giúp thị trường nhộn nhịp hơn nhưng nhìn dài hạn, đầu tư dài hạn mới là điều mà cả chủ đầu tư, khách hàng và thị trường kì vọng. Hiện nay, đa số các NĐT tham gia thị trường đều có tầm nhìn sinh lợi trong dài hạn, đặc biệt ở các dự án căn hộ.
Hạ Vy
Theo Trí thức trẻ