Câu hỏi: Giải pháp phân bón cho cây lúa nước ở Bình Thuận
Kính chào Trung tâm (TT)!
Trong hoạt động canh tác lúa nước của bà con nông dân, phân bón hóa học là một bộ phận cấu thành rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay giá cả phân bón hóa học trên thị trường ngày càng tăng cao, trong khi giá lúa thì không thay đổi (có khi còn giảm) nên đã tạo một áp lực rất lớn về chi phí đầu tư, làm giảm doanh thu ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của bà con nông dân, nguy cơ bà con bỏ ruộng cao, đe dọa tới an ninh lương thực,…
Trước tình trạng và khó khăn này, tôi kính mong TT có những giải pháp, tiến bộ khoa học kỹ thuật (áp dụng phù hợp tại tỉnh mình) nhằm giảm việc sử dụng phân bón hóa học, thay thế hoặc kết hợp bằng/với phân bón hữu cơ, vi sinh,… giúp bà con giảm chi phí đầu tư mà vẫn giữ hoặc tăng năng suất thu hoạch. Qua đó, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, giúp bà con nông dân ổn định canh tác, mở rộng quy mô canh tác, góp phần tạo nên một nền nông nghiệp sạch, xanh và phát triển bền vững.
Trân trọng cảm ơn và kính chào TT!
Trả lời
Cám ơn bạn đã quan tâm đến trang Web của đơn vị !
Câu hỏi của bạn là rất xác đáng, đây cũng là nỗi băn khoăn của người trồng lúa nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung; vấn đề này cũng được các nhà khoa học quan tâm nhằm tìm ra giải pháp tối ưu nhất để góp phần giải quyết phần nào cho bà con nông dân, tuy nhiên bản thân được biết là chưa có một giải pháp thống nhất nào từ các cơ quan hữu quan khuyến cáo.
Nội dung bạn hỏi có tính “vĩ mô”, cần phải có sự đồng nhất về giải pháp từ phía cơ quan nhà nước, các nhà khoa học, doanh nghiệp…để khuyến khích người sản xuất. Vậy nên, đứng về mặt cá nhân, trong khuôn khổ giới hạn cho phép, tôi có thể chia sẽ với bạn phương châm sau: “Giảm tối đa chi phí đầu vào sản xuất là giải pháp tối ưu nhất trong tình hình giá vật tư không ngừng tăng như hiện nay”.
Do vậy, không chỉ giải pháp về phân bón như bạn hỏi mà cần phải có những giải pháp đồng bộ trong sản xuất lúa nước.
Thứ nhất, về công tác giống: phải sử dụng giống lúa xác nhận, đẻ nhánh khỏe như ST24, ST25, OM4900, OM18, OM5451…; và áp dụng quy trình canh tác theo phương pháp cải tiến SRI, với lượng giống gieo 12 kg/sào; tuy nhiên, điều kiện đất đai đa số tại Bắc Bình chưa tốt, nên lương gieo có thể sừ dụng từ 14-16 kg/sào. Vì gieo thưa lúa đẻ nhánh mạnh, số hạt chắc/bông cao…dẫn đến năng suất bằng hoặc cao hơn từ 5-10% so với sản xuất đại trà từ trên 25 kg/sào. Nhờ giảm giống nên việc bón phân cũng giảm theo, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh, giảm thuốc BVTV do ít phát sinh sâu bệnh hại lúa
Tại Bắc Bình, bạn có thể liên hệ với anh Vũ, PGĐ HTX Bình Lễ, Phan Rí Thành, số điện thoại 0919947722 để học thêm kinh nghiệm gieo lúa thưa, anh Vũ làm mô hình khuyến nông chỉ gieo 7,5 kg lúa ST25/sào nhưng cho năng suất gần 8 tạ/sào hoặc liên hệ anh Đức – GĐ HTX Đức Bình, Tánh Linh: 0392467305 về canh tác lúa gieo thưa hướng hữu cơ
Thứ hai, về nước tưới nên áp dụng tưới nước ướt khô xen kẽ tức là tưới nông lộ phơi, với cách tưới này bạn chỉ tưới 10-12 lần/vụ thay vì tưới 15-16 lần/vụ theo truyền thống, như vậy bạn sẽ tiết được công tưới nước, lúa cứng cây, phát triển tốt, ít sâu bệnh hại;
Thứ ba: về phân bón, nội dung bạn cần quan tâm, tùy theo từng loại đất mà bạn có thể áp dụng công thức khuyến cáo sau:
* Lượng bón và cách bón
Đối với đất thịt hay đất thịt pha sét chia làm 4 lần bón (1 lần lót, 3 lần thúc):
– Lót: Toàn bộ phân chuồng hoặc hữu cơ vi sinh và super lân
– Thúc 1: 7 – 10 ngày sau gieo (NSG), 2 kg DAP + 4 kg ure + 2,5 kg KCl
– Thúc 2: 18 – 20 NSG, 0,5 kg DAP + 3,5 kg urê
– Thúc 3: 40-45 NSG, 2,5 kg urê + 2,5 kg KCl
Đối với đất cát hay cát pha, nên chia làm nhiều lần bón: (1 lần lót, 4 lần thúc):
– Lót: Toàn bộ phân chuồng hoặc hữu cơ vi sinh + super lân
– Thúc 1: 7 – 10 NSG, 2 kg DAP + 4 kg urê + 2,5 kg KCl
– Thúc 2: 18 – 20 NSG, 0,5 kg DAP + 2 kg urê
– Thúc 3: 28 – 30 NSG, 1,5 kg urê
– Thúc 4: 40-45 NSG 2,5 kg urê + 2,5 kg KCl
* Lưu ý:
– Đối với ruộng nhiều rong nên tìm cách diệt rong trước (bón vôi, rút nước) và lùi ngày bón lân lại, nhưng không vượt quá 20 NSG. Ruộng nhiều rong, bón lân sớm sẽ phát sinh thêm nhiều rong và tạo váng ở mặt ruộng.
– Bón thúc I; II phải đúng ngày, đúng kỹ thuật, không được chậm trễ, nếu bón rãi rác, bón muộn sẽ phát sinh nhiều chồi vô hiệu.
– Ruộng đất xấu, phèn nhiều, nên sử dụng lân nung chảy (lân Văn Điển hoặc lân Ninh Bình) lượng bón từ 15 – 20 kg/500 m2.
– Tùy hiện trạng ruộng lúa mới quyết định bón nuôi đòng : Nếu cây lúa vàng, thiếu đạm có thể bón 1,0 – 1,5 kg ure, nếu lúa có triệu chứng thừa đạm, lúa quá rợp bón kali ngay.
– Ngoài ra có thể sử dụng các loại phân qua lá bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa.
Thứ tư, Sử dụng bảng so màu lá lúa để bón phân đạm hợp lý cho cây lúa
Bảng so màu lá lúa là một TBKT do Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế IRRI đề xuất và được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới và ở nước ta. Đây là một giải pháp đơn giản, dễ thực hiện và hiệu quả, góp phần đảm bảo năng suất và chất lượng lúa, đồng thời hạ giá thành sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân. Bảng so màu lá được chế tạo theo công nghệ của Nhật Bản, nhằm xác định màu sắc lá lúa và dự đoán tình trạng thiếu hay thừa đạm trong cây, từ đó nông dân có thể dễ dàng quyết định bón hay không bón đạm trên ruộng lúa của mình, qua đó giảm chi phí sản xuất, hạn chế sự phát triển của sâu bệnh và lúa đổ, đồng thời giảm tác hại đến môi trường do không có lượng đạm dư thừa trong đất và nguồn nước.
Bảng so màu lá lúa gồm 1 khung có 4 ô nhỏ có các gam màu xanh khác nhau từ xanh vàng đến xanh đậm đại diện cho màu sắc lá lúa từ thiếu đạm đến thừa đạm và được đánh dấu bằng các số 2; 3; 4; 5 tương ứng phía dưới mỗi ô.
* Cách thực hiện:
Trước khi bón thúc cần xem xét lúa thiếu hay thừa đạm để quyết định bón đạm bổ sung hay không.
– Bón thúc đẻ lần 1: Không cần dùng bảng so màu.
– Bón thúc đẻ lần 2: Để tránh lúa đẻ lai rai, lần bón này chỉ dành cho những chân ruộng vàn cao, đất pha cát, khả năng giữ phân kém, thiếu đạm. Trước khi bón đạm lần này cần so màu lá lúa để xem có cần bón bổ xung đạm hay không.
– Bón đón đòng: Bón khi lúa có cứt gián (thường là 48 – 50 ngày sau cấy với giống ngắn ngày; 54 – 56 ngày với giống trung ngày, 58 – 60 ngày với giống dài ngày. Đợt bón này rất quan trọng ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa. Nếu thiếu đạm sẽ bông bé, ít hạt, vỏ trấu bé. Nếu thừa đạm lúa sẽ bị “lốp đổ” và nhiều sâu bệnh nhất là bệnh khô vằn. Do đó, trước khi bón đạm lần này cần so màu lá lúa với bảng so màu để xem có cần bón bổ sung đạm hay không.
– Bón nuôi hạt: Cũng chỉ áp dụng trên đất vàn cao, đất pha cát, thiếu đạm. Đợt bón này với mục đích là duy trì tuổi thọ của bộ lá đòng thúc đẩy quang hợp. Do đó rất cần so màu lá lúa để xem lúa có thiếu đạm hay không để bón bổ xung đạm, nếu thiếu đạm thì có thể bón bổ xung 10% đạm và 10% kali bón sau khi lúa trỗ hoàn toàn.
Thời điểm so màu tốt nhất là từ 8h30 – 9h30 sáng và nên cố định thời gian như nhau cho mỗi lần so màu. Để đánh giá chính xác nên chỉ một người thực hiện việc so màu lá lúa trong suốt vụ lúa. Khi so màu lá lúa nên xoay lưng về phía mặt trời để che mát cho lá lúa, dễ thấy màu sắc hơn.
Chọn ngẫu nhiên 5 điểm khác nhau trên ruộng, mỗi điểm chọn 3 khóm lúa không bị sâu bệnh, mỗi khóm chọn 1 lá lúa công năng (lá cao nhất trong khóm lúa) để so màu. Đặt phần giữa lá lúa lên khung màu trong bảng so màu lá lúa. Ghi nhận chỉ số màu của từng lá. Sau đó tính trị số trung bình và được chỉ số so màu chung. Từ trị số chung nà ta quyết định bón bổ sung đạm hay không
* Ngoài ra bản có thể áp dụng các biện pháp giảm thiểu phân hóa học trong sản xuất lúa thân thiện môi trường đạt hiệu quả cao
1) Sử dụng phân hữu cơ thay cho một phần phân hóa học
– Sử dụng phân gia súc, gia cầm
– Trồng cây phân xanh trên bờ ruộng hoặc trên đất bỏ hoang như điền thanh, thanh hao hoa vàng,..
2) Sử lý rơm rạ tại đồng ruộng bằng việc bổ sung chế phẩm vi sinh
Thay vì đốt hoặc vùi rơm rạ cho tự phân hủy sẽ tạo ra khí phát thải nhà kính như CO2, NH3 gây ngộ độc rễ lúa và gây biến đổi khí hậu ta sử dụng phân hữu cơ hoặc chế phẩm vi sinh để phân hủy nhanh rơm rạ tạo mùn như:
Phân vi sinh Đa chủng đa chức năng Azotobacterin:
Là loại phân kết hợp nhiều chủng vi sinh vật hữu ích như vi sinh vật cố định đạm, vi khuẩn phân giải các chất hữu cơ, vi khuẩn chuyển hóa các chất khó tiêu thành dễ tiêu, vi khuẩn ức chế sinh trưởng của nấm hại.
Cách làm: Rắc vào ruộng đã cày ngập nước có tác dụng phân giải nhanh các chất xơ như rơm rạ, làm đất tơi xốp, thoáng khí, giảm được hiện tượng ngộ độc hữu cơ thường xảy ra trong vụ mùa.
Sau khi thu hoạch lúa rắc mỗi sào từ 5 – 7 kg (1 bao 20 kg cho 3 – 4 sào), rồi lồng dập rạ xuống, giữ nước 7 – 10 ngày là rơm rạ đã hoai mục để bừa cấy.
Chế phẩm Sumitri:
Thành phần gồm: Trichoderma, Acid Humic, Acid Fulvic và các chất dinh dưỡng vi lượng: Mg, S, Ca, Zn, Cu… Có tác dụng: phân hủy nhanh rơm rạ, ngăn hiện tượng ngộ độc hữu cơ, kích thích sự phát triển của bộ rễ cây trồng, đối kháng đối với các vi sinh vật gây hại, hạn chế bệnh, đồng thời bổ sung dinh dưỡng vi lượng cho lúa.
Cách làm: Lượng dùng là 100-150 gram/sào. Trộn đều chế phẩm với cát sạch, sau đó rắc đều hỗn hợp vừa trộn vào ruộng, giữ nước 7-10 ngày rồi bừa cấy.
Khi sử dụng các chế phẩm sinh học trên có thể tiết kiệm được 30% phân bón hóa học
Trong khuôn khổ bài viết thì không thể chia sẽ hết ý được, mong bạn thông cảm, có gì liên hệ Bình: 0983514553. Chúc bạn thành công !
Hồ Công Bình
(Nguồn: http://www.khuyennong.binhthuan.gov.vn/News/FaqView.aspx?ID=11508)