Nhiều địa phương không công bố giá đất san lấp
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa trình Phó Thủ tướng Lê Văn Thành báo cáo kết quả kiểm tra công tác quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho các dự án đường cao tốc Bắc – Nam.
Đến thời điểm kiểm tra, trên toàn tuyến của dự án có 77 mỏ đất đắp nền đường đang khai thác, đáp ứng khoảng 30/51 triệu m3 (tương đương hơn 58,8% tổng nhu cầu).
Kết quả kiểm tra cũng cho thấy nhiều địa phương không công bố, chỉ có một số địa phương công bố giá đất san lấp (Ninh Bình, Khánh Hòa, Bình Thuận), hoặc chỉ công bố khi có đề nghị của Ban quản lý dự án (Thanh Hóa), hoặc có công bố giá đất san lấp nhưng không bao gồm loại đất có K95 và K98 phục vụ cho dự án (Thừa Thiên Huế)…
Tại thời điểm kiểm tra, theo báo cáo của các địa phương chưa phát hiện được trường hợp ép giá, tăng giá bán vật liệu.
9 dự án thành phần thiếu 51 triệu m3 đất đắp
Ngoài dự án thành phần đoạn đi qua Nam Định và Cao Bồ – Mai Sơn đi qua Ninh Bình đã thi công xong, không vướng mắc, còn lại 9/11 dự án còn thiếu gần 51 triệu m3 đất đắp nền đường (tương đương hơn 45% nhu cầu) ở các mức độ khác nhau.
Trong đó, thiếu với khối lượng lớn có Mai Sơn – QL45 đi qua Ninh Bình, Thanh Hóa (7,134 triệu m3), Cam Lộ – La Sơn đi qua Thừa Thiên Huế (1,9 triệu m3), Vĩnh Hảo – Phan Thiết đi qua Bình Thuận (7,5 triệu m3), Phan Thiết – Dầu Giây đi qua Bình Thuận, Đồng Nai (4,497 triệu m3).
“Đối với các dự án thành phần nêu trên cần giải quyết ngay việc thiếu đất đắp nền đường, nếu không các dự án sẽ chậm tiến độ là nguy cơ hiện hữu”, báo cáo nêu.
Đáng nói, ngoài 77 mỏ đang khai thác, để giải quyết khối lượng đất đắp nền còn thiếu nêu trên, các địa phương đã quy hoạch 128 mỏ cho các Ban quản lý dự án, chủ đầu tư và nhà thầu để làm thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác.
Tuy nhiên, do các mỏ này đều chưa thăm dò nên thời gian giải quyết thủ tục để có giấy phép khai thác tại các mỏ mất nhiều thời gian, không đáp ứng được yêu cầu tiến độ cấp vật liệu cho dự án.
Trong khi đó, việc tận dụng các nguồn vật liệu thay thế đất sét như tro xỉ của các dự án nhiệt điện, vật liệu xay nghiền thay thế đều khan hiếm hoặc ở rất xa dự án; việc thu hồi khoáng sản đi kèm là lớp đất sét phủ tại các mỏ đá vật liệu xây dựng thông thường không nhiều, chỉ đạt khoảng 50% tổng khối lượng đất phủ (Khánh Hòa, Đồng Nai…).
Nếu không được tháo gỡ sớm việc thiếu đất đắp nền đường, nhiều dự án cao tốc Bắc – Nam sẽ chậm tiến độ là nguy cơ hiện hữu
Kiến nghị hàng loạt giải pháp cấp bách
Để kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cung cấp đất đắp nền đường cung cấp cho dự án trước mùa mưa trong khi một số dự án đứng trước nguy cơ hiện hữu bị chậm tiến độ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra một số đề xuất, kiến nghị.
Cụ thể, Bộ này kiến nghị Chính phủ xem xét, cho phép điều chỉnh nội dung Nghị quyết số 60 theo hướng cho phép UBND tỉnh nơi dự án đi qua được điều chỉnh nâng công suất khai thác đối với các mỏ đất sét có công suất khai thác hiện tại dưới 100.000 m3/năm theo nhu cầu của dự án thành phần trên địa bàn; sau khi cung cấp đủ cho dự án thành phần trên địa bàn, tiếp tục khai thác theo công suất quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh: Nghệ An, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long tập trung chỉ đạo, xử lý dứt điểm, hoàn thành khối lượng giải phóng 100% mặt bằng chậm nhất đến ngày 30/10/2021 để bàn giao cho các nhà thầu thi công.
Đặc biệt, có biện pháp chống tái lấn chiếm, bảo đảm an ninh, trật tự, hỗ trợ công tác triển khai thi công; phối hợp chặt chẽ với các chủ sở hữu, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét cho phép UBND các tỉnh nơi có dự án đi qua được cấp phép khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án được áp dụng tương tự quy định tại điểm a khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản (không cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác để rút ngắn khoảng 6- 8 tháng).
Theo đó, nhà thầu chỉ thực hiện hình thức đăng ký khối lượng, phương pháp, thiết bị khai thác và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh nơi dự án đi qua, thường xuyên chỉ đạo các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giá xây dựng, công bố giá vật liệu xây dựng trên địa bàn đầy đủ, kịp thời, phù hợp với biến động giá thực tế tại địa phương.
Các địa phương (Bình Thuận, Khánh Hòa, Đồng Nai) đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh (bổ sung) quy hoạch khoáng sản có liên quan; điều chỉnh khu vực chưa cấp phép thăm dò từ hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản sang không đấu giá quyền khai thác khoáng sản để cấp cho nhà thầu/nhà đầu tư; đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cấp phép mới, gia hạn Giấy phép khai thác theo Nghị quyết số 60/NQ-CP.
Về lâu dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Chính phủ xem xét, kiến nghị Quốc hội cho phép ban hành một luật sửa nhiều luật, trong đó có Luật Khoáng sản liên quan đến thủ tục hành chính, thủ tục, thành phần hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Trong đó có quy định về thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản (đất sét đắp nền, đá) cung cấp cho dự án trọng điểm quốc gia thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội.