Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM nói việc cấp giấy phép xây dựng tạm trong vùng quy hoạch “treo” là giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân.
Phóng viên: Nghĩa là trước đó quyền lợi chính đáng của người dân cũng bị “treo” theo quy hoạch “treo”?
– Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM: UBND TP HCM vừa ban hành Quyết định 26/2017, trong đó quy định rất chi tiết các trường hợp được phép cấp giấy xây dựng tạm. Qua đánh giá, chúng tôi thống kê sơ bộ văn bản này đã có thể giải quyết 50% hồ sơ hiện đang vướng mắc về cấp phép xây dựng.
Tôi nhận thấy quyết định nói trên khi ra đời bảo đảm tính thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống. Sở dĩ xảy ra việc phải cấp phép xây dựng tạm mà không cấp giấy phép vĩnh viễn là do bên cạnh việc đẩy mạnh các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội vẫn còn nhiều dự án chậm triển khai và có nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc dự án “rùa bò”, dự án “treo” đã ảnh hưởng quyền lợi của nhiều người dân; có nhà, có đất nhưng không được phép nâng cấp, sửa chữa.
Trước đó, năm 2014, TP HCM cũng ban hành Quyết định 27 về việc cấp phép xây dựng tạm. Tuy nhiên, khi Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực vào ngày 1-7-2015 dẫn đến việc Quyết định 27 không đúng luật. Từ đó, TP HCM ngưng cấp giấy phép xây dựng tạm và dẫn đến sự thiệt thòi cho rất nhiều người. Hôm nay tin vui đã trở lại. Cái khác ở Quyết định 26 là không quy định thời hạn cấp phép xây dựng tạm mà cho phép cấp đến khi dự án triển khai thì ngưng.
Ngày 7-7, Sở Xây dựng đã tổ chức một hội nghị mời các quận, huyện liên quan chủ đề mà báo đang đề cập. Mục đích phổ biến chủ trương, thống nhất cách làm để công chức thụ lý hồ sơ cấp giấy phép xây dựng áp dụng đúng quy định pháp luật.
Như vậy người dân phải đến đâu nộp hồ sơ, cần chuẩn bị những giấy tờ gì để xin giấy phép xây dựng tạm, thưa ông?
– Đối với các công trình có kiến trúc cấp I, II, người dân phải đến Sở Xây dựng TP để nộp hồ sơ. Còn tại quận, huyện tổ chức thực hiện cấp giấy phép xây dựng theo thẩm quyền đã được quy định tại khoản 3 điều 103 Luật Xây dựng năm 2014, bao gồm: nhà ở riêng lẻ, công trình tín ngưỡng, quảng cáo, hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động và các công trình còn lại thuộc phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
Những giấy tờ cần thiết gồm: Đơn xin cấp giấy phép xây dựng, bản photocopy những giấy tờ về quyền sử dụng đất, bản vẽ thiết kế thể hiện mặt bằng, mặt cắt, các mặt đứng chính, mặt bằng móng của công trình, sơ đồ vị trí…
Vậy các khu đất trống chưa xây dựng thì có được cấp phép xây dựng tạm hay không? Nếu có, quy mô sẽ như thế nào?
– Đối với đất trống không phù hợp quy hoạch thì được xây dựng các công trình nhằm phục vụ sinh hoạt cộng đồng như sân thể thao, sân chơi, nhà vệ sinh, căng- tin… quy mô không quá 1 tầng, mật độ xây dựng không quá 5% trên diện tích khu đất.
Quyền lợi của những người được cấp phép xây dựng tạm có bị thiệt thòi so với những người được cấp phép xây dựng vĩnh viễn?
– Sở Xây dựng đã có kiến nghị UBND TP về việc khi cấp giấy phép xây dựng tạm cho người dân thì cấp luôn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản nhà ở gắn liền với đất. Như vậy, quyền lợi người dân sẽ được bảo đảm toàn vẹn.
Về mặt quản lý, nhà nước sẽ quản lý hồ sơ chặt chẽ hơn. Ngoài ra, khi thực hiện thu hồi đất, bồi thường, các căn nhà có giấy tờ hợp pháp sẽ được xử lý hồ sơ nhanh chóng, dễ dàng.
Đã hơn một tuần áp dụng Quyết định 26 (quyết định có hiệu lực ngày 30-6-2017), Sở Xây dựng và các địa phương có gặp khó khăn gì không?
– Ban đầu chúng tôi lúng túng khi áp dụng về việc cấp phép xây dựng tạm đối với đất hỗn hợp và đất dân cư mới. Thế nhưng, xem xét kỹ nhận thấy “giải mã” 2 loại đất này rất dễ. Chỉ cần xem xét kỹ 2 yếu tố gồm: Đất cấp phép thuộc chức năng gì? Có bảo đảm chỉ tiêu xây dựng hay không? Thỏa mãn được 2 yêu cầu trên sẽ được cấp phép.
Hiện tại, mới triển khai nên chúng tôi chưa nắm bắt những khó khăn cụ thể. Dự kiến, đầu tháng 10-2017, một hội nghị tổng kết sẽ diễn ra. Từ đó, chúng tôi một lần nữa lắng nghe ý kiến từ các chuyên viên, cán bộ chia sẻ về những vướng mắc để nhanh chóng điều chỉnh.
Theo Sở Xây dựng TP HCM, hiện tại, việc cấp phép xây dựng đã áp dụng hình thức nộp hồ sơ qua mạng. Người dân chỉ cần truy cập cổng thông tin điện tử UBND quận, huyện và Sở Xây dựng chọn mục “Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 về cấp phép xây dựng” để đăng ký, tạo lập tài khoản theo hướng dẫn.
Huyện Bình Chánh than khó!
Mới đây, UBND huyện Bình Chánh có văn bản kiến nghị Sở Xây dựng TP HCM về việc phần lớn diện tích của địa phương do khu Nam Sài Gòn quản lý.
Cụ thể, khu Nam Sài Gòn chỉ mới thực hiện quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5.000. Trong khi đó, Quyết định 26 sử dụng quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000. Như vậy, đến ngày thực hiện, huyện Bình Chánh vẫn không tiến hành áp dụng được cho một trường hợp nào.
Người lao động