Thị trường bất động sản TP.HCM nửa cuối 2017: Diễn biến khó lường

Thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm được dự báo có sự chuyển hướng sang phân khúc dành cho những người có thu nhập trung bình.

6 tháng đầu năm 2017, thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM có nhiều biến động, điển hình là cơn sốt giá đất nền tại nhiều quận, huyện vùng ven làm cho giá đất ở một số nơi tăng chóng mặt, có lúc lên tới 60%.

Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), 6 tháng đầu năm, thị trường BĐS có dấu hiệu chững lại, tốc độ phát triển chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. HoREA cũng dự báo, đây sẽ là xu thế chủ đạo trong 6 tháng cuối năm 2017.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn TP.HCM đã phát triển được 4,92 triệu m2 sàn nhà ở, nâng tổng diện tích nhà ở lên 157 triệu m2, bình quân đạt 18,47 m2/người. Đối với nhà ở thương mại, có 32 dự án nhà ở với tổng số 16.506 căn hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn và tổng vốn cần huy động lên đến hơn 30.000 tỉ đồng.

Nguồn cung phân khúc căn hộ bình dân khá lớn với 3.855 căn, chiếm gần 41% toàn nguồn cung căn hộ trên thị trường, tạo cơ hội cho khách hàng có nhu cầu ở thực mua nhà với mức giá hợp lý. Dự báo 6 tháng cuối năm nay, thành phố sẽ đón nhận khoảng 15.000 – 20.000 căn thuộc phân khúc tầm trung.

Thị trường bất động sản TP.HCM nửa cuối 2017: Diễn biến khó lường
Những tháng cuối năm 2017, BĐS TP.HCM sẽ tập trung vào phân khúc tầm trung. (Ảnh: KT)

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, xu thế chững lại của thị trường là do có sự lệch pha cung – cầu, trong đó nguồn cung lệch về phía sản phẩm BĐS cao cấp, BĐS du lịch – nghỉ dưỡng nhưng thiếu những sản phẩm nhà ở vừa túi tiền có giá bán trên dưới 1 tỉ đồng. Đây là phân khúc này có tính thanh khoản cao, chưa từng bị khủng hoảng, đáp ứng nhu cầu của đa số người thu nhập trung bình có nhu cầu ở trong xã hội.

“Đứng trước tình hình thị trường có những giai đoạn phát triển nóng, Hiệp hội đã có sự cảnh báo, các doanh nghiệp cũng có sự hưởng ứng trong việc tái cấu trúc sản phẩm, tái cơ cấu đầu tư để chuyển hướng mạnh vào phân khúc bất động sản vừa túi tiền, giúp cân bằng lại thị trường”, ông Châu cho biết thêm.

Theo ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Danh Khôi Á Châu, tình trạng bong bóng BĐS khó có thể xảy ra vào nửa cuối năm nay bởi các nhà phát triển BĐS đã chủ động trong việc nghiên cứu, đo lường thị trường nhằm đưa sản phẩm đáp ứng nhu cầu của đại đa số người tiêu dùng, tránh tình trạng dư thừa.

Ngoài ra, do có nhiều chính sách bán hàng hấp dẫn nên tính thanh khoản của các sản phẩm trong các quý vừa qua vẫn ở mức cao, lượng người mua tăng trưởng ổn định.

“Sự cạnh tranh về mặt chính sách bán hàng đã giúp người mua nhà có nhiều sự lựa chọn hơn như hỗ trợ về mặt tài chính của ngân hàng, cơ chế thanh toán dài hạn của chủ đầu tư, từ đó gia tăng lượng người có nhu cầu mua hàng”, ông Lâm cho biết.

Theo bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn phát triển, Công ty CBRE Việt Nam, mặc dù thị trường đất nền vừa trải qua cơn sốt ảo nhưng thị trường căn hộ lại không bị ảnh hưởng ăn theo cơn sốt này. Thậm chí vào thời điểm giữa năm 2017, giá bán căn hộ còn đi xuống, các dự án chào bán ra nửa đầu năm tập trung ở phân khúc trung cấp, có mức giá đưa ra rẻ hơn mức giá trung bình của thị trường, khiến mặt bằng giá bán trên toàn thị trường căn hộ giảm nhẹ.

Bà Dung nhận định: “Cơn sốt từ thị trường đất nền đến từ những mảnh đất riêng lẻ, không phải đất nền trong dự án. Những dự án nằm trong những khu quy hoạch đồng bộ hoàn toàn không thấy có sự sốt về giá”.

Theo HoREA, giai đoạn từ năm 2017 – 2020, thị trường BĐS sẽ có sự điều chỉnh lớn để khắc phục tình trạng lệch pha cung – cầu hiện nay, giúp cho thị trường phát triển lành mạnh và bền vững hơn. Theo đó, thị trường sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường BĐS có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp.

Đặc biệt, sự phát triển của thị trường BĐS TP HCM sẽ vượt ra khỏi ranh giới hành chính trong vùng đô thị, tác động tới các khu vực giáp ranh, lân cận với thành phố.

(Theo VOV)

Có thể bạn quan tâm