TTO – Mua đất trong một dự án ở xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An từ tháng 12-2018, nhưng mới đây anh S. (ngụ TP.HCM) xuống thăm phần đất mình đã mua thì “tá hỏa” khi thấy tấm bảng cảnh báo dự án “ảo” do UBND xã cắm ngay trên đất của mình.
- DỰ ÁN WEST LAKES GOLF & VILLAS
- Thị trường nhà đất Tp.HCM có đang gặp nguy?
- Phong cách “staycation” của giới nhà giàu hay nhu cầu sống tách biệt trung tâm thành phố lớn?
Không chỉ có anh S. mà nhiều người dân cũng phản ảnh bị lừa mua đất trên dự án “ảo” tại Long An.
Chi tiền mua… lời hứa
Anh S. cho biết khi thấy dự án Green Village 4 quảng cáo trên mạng với giá đất khá “mềm”, anh đã điện thoại đến công ty phân phối để tìm hiểu. Tại đây, anh S. được săn đón, mời tham dự một hội nghị khách hàng do công ty phân phối tổ chức ở TP.HCM.
“Trong hội nghị này, tôi đã chốt mua một mảnh đất 520m2, giá 780 triệu đồng, với lời giới thiệu của nhân viên là đất này đã có 100m2 đất thổ cư. Trong tương lai tôi sẽ được chuyển toàn bộ phần đất còn lại lên thổ cư, với nhiều hạ tầng đường sá rất đẹp mắt.
Tuy nhiên, đó chỉ là những lời nói của nhân viên, còn trong hợp đồng chỉ thể hiện việc tôi giao tiền để mua 520m2 đất nông nghiệp” – anh S. kể.
Khi đã đóng gần đủ số tiền mua đất trong hợp đồng, đến đầu tháng 9 anh S. đi thăm đất thì thấy tấm bảng cảnh báo dự án “ảo” do UBND xã Bình Đức, huyện Bến Lức cắm ngay trên phần đất của mình.
Khi thấy nội dung “khu vực này hiện không có bất kỳ dự án nhà ở nào được cấp phép thực hiện, đề nghị bà con cảnh giác, tránh tiền mất, tật mang”, anh S. mới tá hỏa. Gọi cho nhân viên đã giới thiệu đất cho mình trước đây thì nhân viên này đã nghỉ việc.
“Tôi hỏi thêm nhiều người cùng mua đất, tất cả đều coi lại giấy tờ thì chẳng ai có hợp đồng thể hiện có đất thổ cư trong đó” – anh S. nói thêm.
Nhiều người cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự anh S. khi mua đất tại Long An. Năm 2017, anh N. (ngụ TP.HCM) mua đất ở một dự án nhà tại xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức. Theo hợp đồng, sau khi trả hết tiền, anh N. sẽ được giao đất.
Tuy nhiên, đã đến hạn giao đất nhưng mãi vẫn không thấy bên bán giao sổ, anh N. mới tìm hiểu thì biết dự án mà mình mua nằm trong phần đất của dự án khu phức hợp giải trí Happyland, chưa được cơ quan nào cấp phép.
Khiếu nại nhiều lần, anh N. được bên bán thỏa thuận “bồi thường” cho một miếng đất khác ở tận… Đồng Nai.
Chưa hết, vào đầu tháng 8-2019, hàng loạt người mua đất trong dự án khu dân cư, nhà ở công nhân Thiên Phúc – Hoàng Gia (xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, Long An) đã kéo đến trụ sở UBND tỉnh Long An để… đòi tiền mua đất.
Trước đó, vào tháng 6-2019, UBND tỉnh Long An đã có kết luận thanh tra toàn diện dự án Thiên Phúc – Hoàng Gia. Theo đó, tuy dự án này đã được cấp chủ trương vào cuối năm 2017 nhưng đến thời điểm thanh tra chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện các thủ tục về đất đai nên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Dù vậy, chủ đầu tư là Công ty Thiên Phúc đã ký hàng loạt hợp đồng, giao dịch với người dân bằng các hình thức như: hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng sang nhượng điểm kinh doanh chợ, hợp đồng sang nhượng điểm kinh doanh trong năm 2017.
“Tỉnh cũng đã tiếp xúc với những người dân mua đất trong dự án này, giải thích cho họ các hợp đồng góp vốn là các giao dịch dân sự, do đó họ có thể khởi kiện ra tòa. Còn nếu thấy có dấu hiệu bị lừa đảo, họ nên gửi đơn tố giác tội phạm đến công an tỉnh” – ông Huỳnh Văn Tươi, phó chánh Văn phòng ĐBQH – HĐND – UBND tỉnh Long An, nói.
Phải minh bạch thông tin dự án
Trao đổi về việc cảnh báo, ông Nguyễn Văn Tài – quyền chủ tịch UBND xã Bình Đức, huyện Bến Lức – cho biết sở dĩ địa phương cắm bảng cảnh báo dự án “ảo” tại khu vực mà anh S. lỡ mua đất là bởi sau khi thấy thông tin trên mạng về dự án này, xã rà soát lại và phát hiện khu vực đó chưa hề được cấp một dự án nào.
“Đây vẫn là đất nông nghiệp. Chúng tôi làm việc với đơn vị bán đất thì họ nói chỉ bán đất nông nghiệp, với diện tích trên 500m2 theo quy định của pháp luật. Do đó, chúng tôi đã cắm bảng cảnh báo để người dân hiểu rõ, nếu có mua thì cũng biết là mình mua đất nông nghiệp chứ không phải đất thổ cư” – ông Tài cho hay.
UBND tỉnh Long An cũng đã giao cho các sở, ngành, địa phương rà soát lại tất cả các dự án trên địa bàn, đồng thời bắt buộc các chủ đầu tư phải có bảng minh bạch thông tin dự án. Nếu địa phương phát hiện khu vực nào “sốt” đất, hoặc đất được rao bán trên Internet nhưng khác với thực tế thì cắm bảng cảnh báo để người dân nhận biết.
Ông Nguyễn Minh Hùng – giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An – nói: “Hiện sở cũng đã có văn bản nhắc nhở việc minh bạch thông tin dự án gửi về các địa phương. Tới đây sở sẽ tổ chức đi kiểm tra, dự án nào không thực hiện minh bạch thông tin sẽ tiến hành xử lý theo chỉ đạo của tỉnh”.
SƠN LÂM (Theo nhadat.tuoitre.vn)