Lãnh đạo Bộ Tài nguyên cho rằng, việc ghi vào sổ đỏ các thành viên có chung quyền sử dụng đất nhằm cá thể hoá quyền lợi.
Bên hành lang Quốc hội sáng 23/11, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông tin về nội dung của Thông tư 33, quy định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – sổ đỏ, sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình có chung quyền sử dụng đất.
Theo đại diện Bộ Tài nguyên, quy định trên là việc cá thể hóa những người có quyền lợi sử dụng đất đối với lô đất đó. Với quy định này, khi chủ sở hữu mảnh đất sinh con hay một người khác đến ở chung thì người con hay người đến ở chung không có quyền, bởi họ không có mặt, không tham gia tạo lập đất.
Như vậy, mục đích của thông tư là bảo vệ quyền lợi những người có quyền sử dụng đất, “chứ không bao gồm những thành viên trong khái niệm hộ gia đình”.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên lấy dẫn chứng trong đất đền bù, việc ghi tên ai vào sổ đỏ sẽ giúp xác định người đó là thành viên vào thời điểm đền bù, cấp đất, qua đó bảo vệ quyền lợi của người này.
“Giả sử không cá thể hóa mà chỉ cấp sổ đỏ cho ông A đứng tên chủ hộ thì chuyện gì sẽ xảy ra? Những người tại thời điểm cấp đất thực tế sống trong hộ gia đình, có trong hộ khẩu thì làm sao bảo vệ được quyền lợi của họ”, vị này nói và nhấn mạnh, những người có quyền sử dụng với mảnh đất là những người tại thời điểm giao đất, đền bù đất có tên trong hộ khẩu và những thành viên này bình đẳng với nhau.
“Thông tư này để xử lý tồn tại của một quá trình trước đây, chưa tính đến cá thể hóa và nếu có tranh chấp xảy ra thì không thể giải quyết được. Đây là yêu cầu của Tòa án, Viện Kiểm sát, các cơ quan này đề nghị ghi rõ cá thể chứ không thể để chủ thể, theo hộ”, lãnh đạo Bộ Tài nguyên nói.
Ngoài ra, vị lãnh đạo Bộ Tài nguyên nói thêm, trước đây khi cấp đất cho hộ dân, Nhà nước xem xét trong gia đình có bao nhiêu người, căn cứ định mức cấp đất cho mỗi người để quyết định cấp bao nhiêu đất cho hộ đó. Tuy nhiên, thời trước, đất chưa có giá trị và khái niệm hộ sở hữu chung vẫn còn nên “mọi người vui vẻ để một người đứng ra đại diện”.
Qua thời gian, đất đai được cá thể hóa, không có khái niệm chung như trên, nên việc ban hành thông tư là “việc cần thiết phải làm” để giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các bên liên quan.
Đại diện Bộ Tài nguyên khẳng định, thông tư không làm các thủ tục liên quan đến đất đai phức tạp hơn.
“Nhà nước vất vả thêm nhưng những người có quyền hợp pháp được bảo vệ tốt hơn. Khi có tranh chấp thì sẽ xem xét bình đẳng và khi đó toà án cũng có cơ sở xử lý”, vị này nói.
Thông tư 33 có đưa ra hai phương án cho người dân lựa chọn. Phương án thứ nhất: các thành viên trong hộ gia đình có thể cử một người đại diện đứng tên trên sổ đỏ. Với phương án này, trên sổ đỏ ghi tên người đại diện cho hộ gia đình, chứ không phải ghi như trước kia là hộ ông (hộ bà). Việc ghi người đứng tên trên sổ đỏ là đại diện hộ gia đình nhằm ngăn ngừa trường hợp lợi dụng việc được ghi tên riêng trên sổ đỏ để tự ý chuyển nhượng, làm mất quyền lợi của các thành viên khác có chung quyền sử dụng đất. Phương án thứ hai: nếu các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình đều muốn ghi tên trên sổ đỏ thì sẽ ghi tên tất cả trên sổ đỏ. Tuy nhiên, với phương án này, thông tư đã quy định cụ thể về cách thức thực hiện để không phát sinh thủ tục. Ví dụ như ghi tên bốn thành viên trong gia đình trên sổ đỏ thì không phải cả bốn người đều phải cùng đi làm thủ tục, mà chỉ cần một người đi mang theo giấy tờ của những người khác là được. |
Võ Hải