Thời gian tới, TP.HCM sẽ tiến hành tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch khu vực Đông TP.HCM để lập bản thiết kế mới, kết hợp triển khai nhanh 4 trung tâm, xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, góp phần tích cực xây dựng đô thị sáng tạo cho toàn khu Đông.
- Dự án Long Phú Residence Bến Lức – Mặt tiền Quốc lộ 1A
- TRẦN ANH RIVERSIDE: Biệt thự nghĩ dưỡng Tây Nam Sài Gòn
Trong một thập kỷ tới, TP.HCM mong muốn tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tiếp tục tăng trưởng năng suất lao động, duy trì mức đóng góp 30% GDP ngân sách quốc gia; trở thành hạt nhân của cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam; triển khai Đề án TP.HCM trở thành đô thị thông minh; phải quan tâm đến mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Đó là các chỉ số cơ bản để phát triển.
Sau khi thực hiện Đề án TP.HCM thông minh được 1 năm, TP.HCM đang điều chỉnh và thay đổi, có mục tiêu mới cho giai đoạn 5 năm tiếp theo. Đó là xây dựng đô thị sáng tạo (ĐTST) khi triển khai đô thị thông minh, cần có hạt nhân bên trong TP.HCM và hạt nhân đó là điểm khởi đầu cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 ở TP.HCM.
Mục tiêu xây dựng ĐTST của TP.HCM nhằm tạo sự tương tác giữa các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học – công nghệ…
Ngoài ra, TP.HCM mong muốn hỗ trợ các tỉnh lân cận như Đồng Nai và Bình Dương để tạo nên cụm động lực phát triển kinh tế cho khu vực phía Nam. Vì vậy, TP.HCM muốn gộp 3 quận (2, 9, Thủ Đức) thành khu ĐTST phía Đông của thành phố.
Theo các chuyên gia kinh tế, so với các hướng phát triển, khu Đông sở hữu vị trí trọng tâm trong vùng “tam giác vàng” TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ.
Đánh giá về việc hình thành khu đô thị sáng tạo tại 3 quận 9, 2, Thủ Đức, các chuyên gia khẳng định: “Quận 9 hiện có khu Công nghệ cao lớn thứ nhì cả nước với hơn 700ha, 35.000 lao động, 6 tỷ USD vốn đầu tư. Quận Thủ Đức có 12 trường đại học, trung tâm ĐHQG sáng tạo nhất cả nước. 2 quận này tạo nên 2 cực công nghệ và trí tuệ cao, kết hợp với trung tâm hành chính ở quận 2 sẽ trở thành khu Đô thị thông minh tương tác cao. Đây cũng sẽ là trung tâm để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo”.
Ở quận 2 có Khu đô thị Thủ Thiêm cung cấp hạ tầng cơ sở, tiện ích cho rất nhiều chức năng khác nhau. Nơi đây sẽ có cơ sở hạ tầng chính cho trung tâm tài chính quốc tế của thành phố, là một trong những nơi đáng sống nhất của TP.HCM.
Tại Hội thảo quốc tế “Tầm nhìn cho đô thị sáng tạo tại TP.HCM” do UBND TP.HCM tổ chức ngày 28/7 vừa qua, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Nghị quyết 54 của Chính phủ là chìa khóa để phát huy những điểm đặc thù của thành phố, cho địa phương tự chi ngân sách, đáp ứng phục vụ người dân tốt hơn.
Song song đó, Quốc hội cũng tạo cơ chế cho thành phố vay vốn bằng ngân sách để đầu tư hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại, miễn không ảnh hưởng ngân sách quốc gia. Đồng thời, thu nhập cho cán bộ sẽ được tăng nếu có năng suất, hiệu quả cao hơn…
Một giải pháp quan trọng là thành phố sẽ huy động lực lượng tư vấn trong nước và ngoài nước để thiết kế một khu ĐTST TP.HCM tích hợp các quận 9 (Khu công nghệ cao), quận 2 (Khu đô thị mới với trung tâm tài chính Thủ Thiêm), quận Thủ Đức (12 trường đại học với trên 12.000 tiến sĩ, giảng viên và 70.000 sinh viên). Khu đô thị sáng tạo với dân số gần 1 triệu người sẽ làm hạt nhân để thành phố triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Để triển khai thực hiện khu đô thị sáng tạo, mới đây TP.HCM đã giao quận Thủ Đức phối hợp với các sở ngành liên quan tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án Khu đô thị ĐHQG TP.HCM. Cùng với đó, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM được giao chủ trì, phối hợp với ĐHQG TP.HCM rà soát, nghiên cứu đề án quy hoạch khu Đông TP.HCM.
Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, trong năm nay, TP.HCM mong muốn tổ chức cuộc thi lựa chọn các đơn vị tư vấn quốc tế nhằm hỗ trợ thành phố xây dựng tầm nhìn và các bước triển khai cụ thể ĐTST, sau đó xây dựng quy hoạch tổng thể cho đô thị đổi mới sáng tạo. Để có thể tiếp tục duy trì phát triển đến năm 2020, TP.HCM cần có các khu công nghiệp, các khu phần mềm, các khu công nghệ cao, các trường đại học tốt. Tuy nhiên, để phát triển cao hơn, thành công hơn cần có sự tương tác, kết nối tốt hơn từ các thành phần của TP.HCM.
Trong đó, các dự án giao thông khu Đông TP.HCM sẽ được ưu tiên thực hiện hoàn thành, bao gồm đường song hành cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; đường Vành đai 2 (từ cầu Phú Hữu đến nút giao Gò Dưa, nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Phú); cầu Thủ Thiêm 2; dự án 4 tuyến đường quanh Khu đô thị Thủ Thiêm; nút giao thông khác tại vòng xoay Mỹ Thủy – công trình trọng điểm về giải tỏa ùn tắc giao thông tại khu vực cảng Cát Lái.
Trong giai đoạn 2018-2020, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông phía Đông, như mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh; xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái); xây dựng đường nối từ cảng Cát Lái ra đường Vành đai 2; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy), nâng cấp và mở rộng tuyến đường Tô Ngọc Vân kết nối từ đại lộ Phạm Văn Đồng đến Xa lộ Hà Nội…
Về loại hình vận tải khối lượng lớn hiện đại, theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, ngoài dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động dọc trục cửa ngõ phía Đông từ quận 1, Bình Thạnh đến quận 2, 9 và Thủ Đức vào năm 2020, tuyến này còn kết nối đến cả tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.
Đồng thời, tại khu cửa ngõ chính của TP.HCM, tuyến đường sắt đô thị số 3b (Ngã 6 Cộng Hòa – Nguyễn Thị Minh Khai – Xô Viết Nghệ Tĩnh – Quốc lộ 13 – Hiệp Bình Phước) cũng sẽ được hình thành trong tương lai. Trong tương lai tuyến này được định hướng kết nối với thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) từ ga Hiệp Bình và đi dọc Quốc lộ 13, kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 của tỉnh Bình Dương.
Theo Nhịp sống kinh tế